HIỂU VỀ CƠ THỂ VÀ CƠ CHẾ THẢI ĐỘC TỰ NHIÊN MỖI NGÀY CỦA CƠ THỂ

Bạn có biết, cơ thể chúng ta là một cỗ máy diệu kỳ với hơn 37 nghìn tỷ tế bào cấu tạo nên các bộ phận để duy trì sự sống cho cơ thể. Mỗi một bộ phận, cơ quan đảm nhận một nhiệm vụ riêng nhưng lại phối hợp với nhau nhuần nhuyễn cho một chức năng hoàn chỉnh, cùng nhau nuôi dưỡng và bảo vệ sự sống cho cơ thể.

Cơ thể con người hoàn toàn có khả năng tự thải độc & thanh lọc mỗi ngày. Mỗi khi bạn cung cấp thức ăn, dinh dưỡng cho cơ thể, cỗ máy thông minh diệu kỳ ấy sẽ biết cách lọc những chất độc hại để đào thải trước khi bước vào quá trình chuyển hoá thức ăn thành các chất dinh dưỡng đi nuôi cơ thể. Các cơ quan phụ trách nhiệm vụ đào thải chất độc và cặn bã ra ngoài cơ thể gồm có: da, phổi, hệ bạch huyết, thận, gan và ruột.

Việc hiểu về cơ chế thải độc, thanh lọc của từng bộ phận kể trên là bước khởi đầu cơ bản nhất trước khi bạn lựa chọn áp dụng bất kì phương pháp và chế độ dinh dưỡng nào để tăng cường khả năng thải độc, giữ gìn và nâng cao sức đề kháng cho cỗ máy diệu kỳ bên trong bạn.

Cơ chế thải độc qua da và tuyến mồ hôi

Trong tất cả các bộ phận của cơ thể, da là bộ phận chiếm diện tích lớn nhất và cũng là cơ quan thải độc lớn nhất. Nếu lấy thước đo là khối lượng, một người trưởng thành có tới 3,6 kg da, tương đương tới 2 mét vuông. Da hoạt động như một lá chắn đặc biệt cho cơ thể: chống thấm nước, cách nhiệt, bảo vệ cơ thể chống lại sự khắc nghiệt của nhiệt độ bên ngoài, của ánh sáng mặt trời hay những hoá chất độc hại trong môi trường sống. Đồng thời, da cũng tiết ra những chất kháng khuẩn tự nhiên ngăn ngừa nhiễm trùng và sản sinh ra vitamin D (hình thành khi da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời) giúp cơ thể hấp thụ canxi từ ruột vào máu và từ máu vào xương giúp xương chắc khoẻ. Bộ cảm biến khổng lồ mang tên “làn da” còn chứa đầy các dây thần kinh giữ mối giao tiếp và kết nỗi giữa bộ não và thế giới bên ngoài.

Da có cấu tạo và chức năng kết sức kì công và phức tạp, tuy nhiên cơ thế thải độc qua da lại vô cùng đơn giản, đó chính là qua tuyến mồ hôi. Khi chúng ta tập thể dục, vận động, tắm hơi, tuyến mồ hôi sẽ được kích thích và tiết ra những giọt mồ hôi lấm tấm trên da – khi đó da cũng đang bài tiết lượng chất thải ước tính khoảng 5% đến 10% lượng chất thải trong quá trình trao đổi ra khỏi cơ thể.

Do vậy, việc  lựa chọn những bài tập phù hợp, tập thể dục, vận động thường xuyên, xông hơi hay bất cứ hoạt động nào khiến bạn toát hồ hôi đều là những cách đơn giản và hữu ích nhất để tăng cường khả năng thải độc qua da. Bên cạnh đó, để đảm bảo việc chăm sóc da, vệ sinh sạch sẽ cơ thể và tránh làm bít lỗ chân lông mỗi khi tuyến mồ hôi làm việc, bạn có thể tắm nước ấm để làm sạch mồ hôi và các chất độc được bài tiết qua tuyến mồ hôi trên da, hạn chế sử dụng những chất tẩy rửa, những sản phẩm chăm sóc da có nhiều thành phần hoá chất, hương liệu, tăng cường sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ, tự nhiên.

Cơ chế thải độc qua hệ bạch huyết dưới da

Hệ bạch huyết là bộ phần nằm ngay dưới da, được xem là hệ thống phòng vệ quan trọng trong cơ thể người. Nếu ví làn da là ngôi nhà thì collagen là khung nâng đỡ, còn hệ bạch huyết được coi là hệ thống điện nước, quyết định cho sự vận hành trơn tru của ngôi nhà. Hệ bạch huyết tồn tại xung quanh hệ thống mạch máu với nhiệm vụ loại bỏ chất thải từ các tế bào trong cơ thể. Khác với da, hệ bạch huyết không thể tự thải độc được mà phải vận chuyển các chất độc tới gan và thận, sau đó bài tiết các chất độc tại chính cơ quan này.

Theo đó, khi các độc tố trong cơ thể như chất cặn bã do ô nhiễm môi trường, thực phẩm độc hại tích tụ quá nhiều, hệ bạch huyết trở nên quá tải trong việc vận chuyển chất độc tới gan và thận, sẽ gây nên hiện tượng như bọng mắt, bọng cằm, gương mặt sưng húp, làn da không được sáng mịn. Ngược lại, nếu hệ bạch huyết làm việc trơn tru, quá trình đào thải sẽ diễn ra nhanh chóng hơn và mang đến cho bạn một làn da khoẻ mạnh hơn.

Cung cấp nguồn thực phẩm giàu dưỡng chất, đặc biệt là những thực phẩm có thành phần hỗ trợ thải độc cùng với việc vận động, tập luyện thường xuyên, massage cơ thể… là những cách đơn giản và dễ thực hiện, giúp tăng cường khả năng lưu thông của hệ bạch huyết, góp phần thúc đẩy quá trình thải độc tự nhiên cho cơ thể.

Cơ chế thải độc qua phổi và hệ hô hấp

Phổi là cơ quan quan trọng nhất trong cơ thể con người.  Chúng ta hô hấp mỗi ngày, hít vào oxy và thải ra khí CO2 để duy trì sự sống cho cơ thể. Ngoài ra, hệ hô hấp cũng là cơ quan duy nhất giúp cơ thể thải ra các chất độc dạng khí như N2 có trong tim. Do vậy, việc hiểu về hơi thở, tập thể dục, tập hít thở đúng cách, hít thở sâu mỗi ngày cũng chính là một phương pháp hiệu quả giúp thúc đẩy quá trình thải độc của cơ thể qua đường hô hấp mà chẳng hề tốn một chút chi phí nào.

Khi ở trạng thái bình thường, mỗi phút bạn sẽ hít vào và thở ra 15 đến 17 lần, mỗi lần bạn hít vào lượng không khí khoảng 500ml, ước tính trung bình trong ngày, bạn hít vào thở ra đến 25.000 lần, tương đương với 13.000 lít không khí mỗi ngày. Do vậy, cách đơn giản nhất để tăng cường khả năng thải độc cơ thể qua phổi đó chính là lựa chọn và cải thiện chất lượng không khí và môi trường sống quanh bạn, tránh tiếp xúc với không khí độc hại & các chất hoá học.

Cơ chế thải độc tự nhiên của cơ thể qua thận, gan và hệ tiêu hoá

Bạn có bao giờ tò mò sự vận hành tất bật của cỗ máy diệu kì bên trong cơ thể bạn khi chúng ta ăn uống, hoạt động mỗi ngày? Khi thức ăn được nạp vào cơ thể, những chất độc hại trong thức ăn sẽ được lọc trước khi bước vào quá trình chuyển hoá lượng phần còn lại để trở thành chất dinh dưỡng nuôi dưỡng cơ thể. Các loại độc tố có thể tồn tại trong cơ thể gồm có hai loại: độc tố có thể hoà tan trong nước và độc tố chỉ hoà tan trong chất béo.

Thận: Với những độc tố hoà tan trong nước, có thể sẽ dễ dàng đào thải qua đường máu và được lọc ngay tại quả thận. Cứ mỗi một phút, thận lọc được khoảng 1 lít máu và bài tiết những chất độc, cặn bã của cơ thể qua đường nước tiểu. Do đó, việc hỗ trợ quá trình thải độc tự nhiên cho quả thận trong cơ thể con người chẳng hề khó khăn và phức tạp. Tất cả những gì bạn cần làm chỉ làuống đủ nước mỗi ngày (trung bình từ 1.5 đến 2 lít nước/ngày) để thận có đủ điều kiện đẩy các chất độc hại trong cơ thể ra ngoài, thúc đẩy quá trình chuyển hoá, tuyệt đối không nhịn đi tiểu để tránh trường hợp chất cặt bã bị giữ lại quá lâu sẽ tái hấp thụ độc tố trở lại máu, đồng thời, cần bổ sung một chế độ ăn uống nhiều trái cây, rau củ giúp lợi tiểu.

Gan:Với những độc tố chỉ hoà tan trong chất béo, cơ thể sẽ phải làm việc nhiều hơn để phân biệt và chắt lọc những chú bé này. Nếu chia các chú bé cứng đầu này thành hai nhóm: béo tốt và béo xấu, khi chúng ta nạp thức ăn vào cơ thể, cả hai chú sẽ cùng được đưa thẳng vào dạ dày, đến ruột non, nơi đây dịch mật được tiết ra từ gan và túi mật sẽ thúc đẩy quá trình chuyển hoá những chú bé chất béo dinh dưỡng tốt, trong khi đó, những chú bé chất béo xấu, có chứa chất độc hại sẽ được đẩy vào gan để xử lý.

Gan là cơ quan lớn thứ hai trong cơ thể người, sau da với khối lượng ước tính nặng từ 1,1 đến 1,8 kg tuỳ cơ thể người. Gan của phụ nữ có kích thước nhỏ hơn đàn ông (nhưng tôi vẫn tin lá gan của những người phụ nữ to hơn lá gan của đàn ông – theo nghĩa bóng :P). Mỗi ngày, gan thực hiện đến hơn 500 nhiệm vụ thiết yếu cho cơ thể và được ví như “nhà máy lọc máu & xử lý chất thải” lớn nhất cho cơ thể.

Vậy hãy thử tưởng tượng xem, nếu nhà máy khổng lồ này không hoạt động, cơ thể con người chắc chắc sẽ bị giữ lại những chú bé chất béo độc hại và không thể đào thải nó ra ngoài, ngược lại còn gây ra nguy cơ bị hấp thụ ngược chất độc xấu vào máu.

Với khối lượng công việc khổng lồ kể trên, gan luôn cần được vận hành trơn tru bằng cách giữ lá gan được khoẻ mạnh, không bị làm việc quá tải bởi phải xử lý những chất độc hại đưa vào cơ thể thường xuyên như rượu bia, chất kích thích, thực phẩm đóng hộp và nhiễm độc. Do đó, một chế độ ăn uống lạnh mành là phương pháp hữu hiệu nhất  để bảo vệ lá gan và thúc đẩy quá trình thải độc cho gan.

Hệ tiêu hoá và đường ruột:  Hệ tiêu hoá và đường ruột đảm nhận vai trò biến đổi thức ăn thành các loại chất đơn giản để có thể dễ dàng hấp thụ, đồng thời, tất cả các độc tố, chất dư thừa, cặn bã không xử lý được ở gan, thận và những bộ phận khác cũng sẽ được chuyển về ruột để xử lý.

Có thể chia hệ tiêu hoá thành 2 phần chính:

  • Ống tiêu hoá: Miệng, Thực quản, Dạ Dày, Ruột Non, Ruột Già.
  • Tuyến tiêu hoá: Tuyến nước bọt, Tuyết tuỵ, Tuyến gan.

Khi thức ăn được đưa vào khoang miệng, cơ thể sẽ tiết ra nước bọt để nhào trộn, góp phần đẩy thức ăn qua ống thực quản vào dạ dày. Trong dạ dày, thức ăn sẽ được nghiền nát thành phân tử nhỏ và tiêu hoá một phần trước khi được chuyển xuống ruột non để tiêu hoá để chuyển hoá thành chất dinh dưỡng đi nuôi cơ thể. Quá trình tiêu hoá ở ruột non là quan trọng nhất. Nhờ tác dụng của các dịch tiêu hoá như dịch mật, dịch tuỵ, dịch ruột, thức ăn sẽ được phân giải tới mức đơn giản nhất để có thể đào thải chất dư thừa xuống ruột già (đại tràng) và đào thải ra ngoài cơ thể qua đường hậu môn. Do vậy, để bổ trợ cho hoạt động của hệ tiêu hoá,  việc cung cấp đủ nước cho cơ thể mỗi ngày, ăn chậm, nhai kỹ, lựa chọn chế độ dinh dưỡng khoa học để cơ thể dễ dàng hấp thụ như thực phẩm giàu chất xơ có nguồn gốc thực vật (rau củ, trái cây), hạn chế các loại đồ đóng hộp hay đã qua tinh luyện, đồ ăn nhanh, thức ăn gây khó tiêu… sẽ góp phần quan trọng “giảm tải” công việc của hệ tiêu hoá và đường ruột, giúp cơ thể dễ dàng đào thải chất độc mỗi ngày.

Bên cạnh đó, trong đường ruột của cơ thể người có chứa khoảng 2kg vi khuẩn các loại, sống cộng sinh và bám vào niêm mạc ruột. Hệ vi sinh đường ruột có đến 100 tỷ vy sinh vật đại diện cho 500 loài khác nhau cùng sinh sống trong trạng thái cân bằng động, trong đó 85% là lợi khuẩn và 15% là vi khuẩn cơ hội, có hại. Lợi khuẩn sản sinh ra các chất kháng sinh như enzyme hoặc protein làm ức chế hoặc tiêu diệt vi khuẩn có hại, giúp tăng tường miễn dịch và các chất kháng thể cho cơ thể,  cải thiện tiêu hoá, sản xuất vitamin và chất khoáng. Trong khi đó, các vi khuẩn có hại sẽ gây ra những rắc rối về tiêu hoá, các bệnh ngoài ra và gây suy giảm sức đề kháng của cơ thể. Do đó, chăm sóc sức khoẻ Hệ vi sinh đường ruột (GUT HEALTH) bằng chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung lợi khuẩn (probiotic) bằng những loại thực phẩm lên men tự nhiên như sữa chua, sữa chua uống, dưa muối, phô mai.


Bạn thấy đấy, cỗ máy kì diệu trong cơ thể bạn luôn luôn phải làm việc “quần quật” mỗi ngày để nuôi dưỡng bạn và đào thải chất độc ra khỏi cơ thể.

 

Trong vòng quay tất bật của cuộc sống hiện đại, chúng ta đều phải đối mặt với những “căng thẳng” và cả “cám dỗ” hàng ngày. Những biện minh mang ta đến với  đến với đồ ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp, chất kích thích, rượu bia hay tiệc tùng. Bạn có thể thoả mãn được cơn thèm ăn chỉ trong chốc lát, tạm quên đi stress trong một khoảng thời gian ngắn (chứ không phải tận gốc) và cuối cùng, chính cơ thể bạn là người duy nhất phải gánh chịu gánh nặng đào thải những chất độc này ra khỏi chính cơ thể bạn? Không ai khác, chính bạn đã làm “nặng gánh” thêm cho phần việc vốn đã rất vất vả của cỗ máy diệu kì bên trong bạn.

 

Tôi mong bạn sau khi hiểu được cơ chế hoạt động của cơ thể, hãy đối xử với cơ thể của bạn như một thực thể sống riêng biệt mang tên #body. Và kể từ giờ phút này, hãy #ngưnglạmdụng chính cỗ máy diệu kỳ trong cơ thể bạn!

0
    0
    Your Cart
    Your cart is empty